Một số điều cần lưu ý để lái xe an toàn (12/05/2023)

Việc di chuyển trong các thành phố lớn hỗn độn các loại xe là nỗi ám ảnh của người lái xe, nhất là những người vừa mới học lái xong. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lái xe an toàn nếu chịu khó tập luyện. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người lái xe nên biết khi điều khiển ô tô xử lý các tình huống thường gặp trong điều kiện vận hành thực tế tại Việt Nam

Giữ tập trung khi lái xe

Tập trung khi lái xe là nguyên tắc mà người lái nào cũng cần tuân thủ để đảm bảo an toàn cho chính mình và người trên xe. Tập trung khi lái xe sẽ giúp chủ xe phòng tránh và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Trên 70% các vụ tai nạn xảy ra do nguyên nhân các tài xế không tập trung vào việc điều khiển xe. Các yếu tố chủ quan cũng như khách quan ảnh hưởng rất nhiều đến lái xe, quan trọng là bạn phải biết hạn chế chúng và tập trung tối đa vào việc lái xe. Đặc biệt nguy hiểm khi tham gia giao thông mà không tập trung khi lái xe vì sẽ xảy ra các rủi ro trong quá trình lái xe. Khi người điều khiển xe không quan sát đường và các phương tiện di chuyển trên đường thì việc xử lý lúc gặp tình huống bất ngờ khó phản ứng kịp. Ngoài ra có thể ảnh hưởng tới giao thông và những phương tiện xung quanh.

Kinh nghiệm lái xe an toàn - giữ tập trung

Không lái xe sau khi uống rượu bia

Lái xe sau khi sử dụng rượu bia là hành động nguy hiểm. Chất cồn có trong rượu, bia sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, gây ảo giác, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, giảm khả năng định hướng và điều khiển vận động. Chất cồn trong rượu bia sẽ khiến não bộ xử lý thông tin chậm chạp, phản xạ có điều kiện theo đó cũng suy giảm, vì vậy làm tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn. 

Chất cồn trong rượu bia làm khả năng phối hợp giữa các bộ phận trên cơ thể như mắt, tay, chân bị ảnh hưởng dấu hiệu của tình trạng này bao gồm đi đứng loạng choạng, ngồi không vững, thậm chí còn khó khăn để ngồi lên xe; khả năng tập trung của người lái xe giảm, mất tập trung khi lái xe;  Chất cồn còn gây tổn thương các mô của mắt từ giác mạc, kết mạc đến võng mạc và thần kinh thị giác gây giảm thị lực, thậm chí không điều khiển được mắt. Khi thị lực giảm khiến người lái xe không nhìn thấy rõ các vật thể xung quanh từ đó dễ gây tai nạn.

Hãy hạn chế thức uống có nồng độ cồn cao vì sức khỏe và sự an toàn của bản thân và gia đình chúng ta và đặc biệt là không được lái xe sau khi đã uống rượu bia

Không lái xe khi buồn ngủ

Lái xe khi buồn ngủ có thể xảy đến với bất cứ ai khi người điều khiển phương tiện giao thông đặc biệt khi lái xe mà cơ thể con người đang ở trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc lái xe thời gian dài vào ban đêm.

Tình trạng buồn ngủ khi lái xe chủ yếu bởi thiếu ngủ hoặc điều khiển xe khi cơ thể mệt mỏi tự nhiên theo quy luật vận động hằng ngày. Cũng có trường hợp người lái xe “ngủ gà ngủ gật” xuất phát từ việc sử dụng thuốc chống dị ứng, cảm cúm… trước khi lái xe. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng kết thúc thì không biết chuyện gì xảy đến khi người lái mất khả năng điều khiển xe, có thể dẫn tới tai nạn như va chạm với xe khác hoặc tự gây tai nạn đáng tiếc trên đường. Vì điều này cực kỳ nguy hiểm, do đó khi đang lái xe mà bất chợt gặp cơn buồn ngủ, hãy nghiem túc tự mình đánh giá mức độ buông ngủ của cơ thể, mức độ quan trọng và thời gian của công việc mà đưa ra quyết định có nên tiếp tục lái xe hay đi tìm chỗ nghỉ ngơi hoặc lập tức dừng xe ngủ luôn dọc đường. Không nên cố lái xe khi buồn ngủ sẽ rất nguy hiểm. Nhận biết sớm những dấu hiệu cơn buồn ngủ sắp ập đến sẽ giúp bạn làm chủ bản thân thoát ra khỏi tình trạng đó. Tỉnh táo khi lái xe sẽ đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và những mọi người xung quanh.

Hiểu rõ các tín hiệu khi tham gia giao thông

Những người đang học lái xe, thậm chí nhiều tài xế "đã qua rất nhiều xe" một thời gian nhưng không chú ý đến một điều nhỏ nhặt, đó là ra tín hiệu và đáp trả tín hiệu thế nào là hợp lý khi đang tham gia giao thông. Thực tế khi đang vận hành xe trên đường, cho người khác biết ý định lái xe như thế nào là rất quan trọng. Người lái xe phải hiểu rõ sử dụng đèn xi-nhan, còi, đèn pha/cốt, tín hiệu khẩn cấp trong điều kiện đường, các khoảng thời gian, thời tiết...như thế nào.

Bạn chỉ nên dùng còi để cảnh báo các lái xe khác về sự hiện diện của mình trong trường hợp bạn nghĩ rằng họ "không nhận ra điều đó". Bạn không nên sử dụng còi một cách “nóng nảy hiếu chiến”, bấm còi liên tục  sẽ làm người đi xe bên cạnh bị giật mình và tai nạn có thể xảy ra.

Khi muốn chuyển hướng, bạn phải bật đèn xi-nhan đủ lâu để các phương tiện khác nhận biết và xử lý tình huống thật an toàn. Khi đi trong thành phố, tốt nhất bạn nên hạ một chút cửa kính bên tài xuống để nghe được các tín hiệu âm thanh xung quanh, điều này tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại mang lại hiệu quả lớn giúp bạn lái xe an toàn hơn.

Khi lái xe trong điều kiện mưa gió

Khi có mưa thì bạn nên bật đèn, giảm tốc độ, lái xe cẩn thận khi có giông bụi, tránh xa xe máy và xe đạp, kiểm tra kỹ cửa xe... Trời mưa đường ướt sẽ rất trơn, do đó kinh nghiệm lái xe an toàn trong điều kiện trời mưa này là bạn phải xử lý phanh, ít đánh lái, xi-nhan sớm hơn, giữ khoảng cách xa hơn với xe cùng chiều, dùng gạt mưa và sấy kính với chế độ phù hợp để có tầm nhìn tốt nhất.

Đừng bao giờ chạy quá 80km/h, nếu thấy xe tròng trành, nhớ giữ lái và giảm ga, tuyệt đối không phanh trong trường hợp này..Đừng cho xe chạy nhanh qua những vũng nước vì xe sẽ bị lệch hướng đáng kể. Xe bạn sẽ dễ bị trượt hơn khi lốp mòn nhiều hoặc bị đất bám kín rãnh hoa lốp, chỉ nên chạy ở tốc độ bằng một nửa so với bình thường.
Nên chú ý đến phanh, khi bị ướt các má phanh sẽ ăn lệch hoặc không ăn sẽ rất nguy hiểm nếu phanh gấp, nên tì nhẹ vào chân phanh để sấy chúng khô trở lại.

Nếu gặp bão lớn hoặc gió quá mạnh:
 
Tốt nhất là đi tìm chỗ trú vì nhiều khả năng sẽ có cây đổ, dây điện bị đứt, tai nạn bất ngờ rình rập bất cứ lúc nào...Nếu buộc phải lái thì nên đi với tốc độ chậm, khi xe bị lắc lư thì cố giữ lái thẳng, nếu gặp các xe tải, xe khách lớn thì tránh ra xa và giữ lái chắc vì luồng khí xoáy sau những chiếc xe này rất nguy hiểm.
Nếu đi ngược chiều gió thì phải xử lý nhanh hơn. Nếu đi cùng chiều gió thì chạy chậm hơn và phanh sớm hơn. Thận trọng giảm tốc khi vào cua vì khi đó xe rất dễ bị nghiêng.

lái xe ban đêm

Chạy xe ban đêm nguy hiểm hơn ban ngày vì tầm nhìn bị thu hẹp rất nhiều, nhất là trên đường thiếu đèn chiếu sáng. Khi trời nhá nhem nhớ bật đèn đờ-mi, giảm tốc và bỏ kính râm. Khi trời tối thì bật đèn phù hợp, dùng tín hiệu đèn là chính khi vượt xe, Kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng trước khí lái xe. Sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn nếu đèn không đảm bảo.

Luôn nhìn vào đường chân của bóng tối trên nền đường, khi gặp xe ngược chiều, bật đèn cốt, đừng nhìn trực tiếp vào đèn pha xe đó, mà nhìn chéo sang phải vào cạnh đường, vạch sơn trắng hoặc hàng cọc tiêu để căn lái, khi đến ngang nhau bật ngay đèn pha để quan sát đường (khắc phục khoảng mù của mắt người). Chỉ dừng xe khi thật cần thiết, nhớ tắt đèn pha, chỉ để đèn cốt và đèn cảnh báo.

Lái xe lúc trời nắng chói

Thường gặp trường hợp này khi sáng sớm hoặc xế chiều. Lau kính trước sạch sẽ, dùng kính râm và tấm che nắng để tránh bị chói mắt. Nếu xe ngược chiều hoặc xe đi sau bạn bị chói nắng thì nên cẩn thận trước khi rẽ vì đó họ sẽ khó phát hiện ra bạn đang bật đèn xi-nhan. Nên đi với tốc độ vừa phải vì tầm nhìn bị lúc này đã bị hạn chế.

Hãy luôn "nhường nhịn"

Khi chạy đường trường nếu bạn chủ động chạy lấn đường các xe chạy ngược chiều, đặc biệt là xe tải & xe khách thì họ sẽ lấn đường lại. Lý do là xe tải không muốn phải đạp phanh về số vì sợ "mất trớn", tốn nhiên liệu. Họ hay chạy lấn đường ép xe ngược chiều phải nhường đường để họ không phải giảm tốc độ.

Chính vì thế, tốt nhất là các bạn cứ chủ động nhường đường trước, họ cũng sẽ không lấn đường của bạn nữa. Còn khi chạy trong thành phố, "nhường nhịn" là một thói quen văn minh nhưng đôi khi cũng phải mạnh dạn để dòng xe lưu thông không tắc nghẽn, điều này tùy từng trường hợp mà bạn có thể đưa ra phương án xử lý an toàn và hiệu quả nhất.

Khi lái xe không được bám đuôi xe lớn hơn

Nhiều người chạy trên đường hay bám đuôi xe khác khi vượt xe đi cùng chiều. Điều này rất nguy hiểm bởi vì mình không nhìn rõ phần đường và tình huống sắp xảy ra phía trước. Khi xe chạy trước mình vượt xong, lách vào làn đường bên phải thì mình mới thấy một xe đang chạy ngược chiều lao thẳng vào mình. Hậu quả thế nào thì các bạn cũng đã thấy quá nhiều rồi... khi vượt xe cùng chiều phải quan sát thật kỹ trước khi vượt và tuyệt đối không nên vượt "đúp" cùng với xe chạy trước mình.

Lời khuyên về tâm lý trong trường hợp khẩn cấp

Tình huống hoặc tình thế khẩn cấp có thể đến với tất cả mọi người, những bác tài lâu năm, những chiếc xe đã được chuẩn bị tốt vẫn có thể gặp các sự cố nguy hiểm trên đường bất kỳ lúc nào. Điều quan trọng cũng như kinh nghiệm lái xe an toàn nhất bạn cần ghi nhớ: đừng quá lo lắng, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động và mục tiêu trên hết là giữ cho hành khách trên xe và bản thân mình luôn được an toàn nhất có thể.

 

 


Tin đã đưa

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ GIAO THÔNG VẬN TẢI BÌNH ĐỊNH
Giấy phép:  50/PTNL ngày 23/10/2002
Địa chỉ:  361 đường Tây Sơn, phường Quang Trung, Tp. Qui Nhơn, Bình Định. 
Điện thoại:  0256.3646373.  Fax:  0256.3646373
Mọi thư từ xin gửi về địa chỉ:  daotao@daotaogtvtbinhdinh.vn

Top