Kỹ thuật lái xe số sàn (29/05/2017)

Xe số sàn là loại xe hơi mà người lái phải trực tiếp điều khiển cần số bằng tay. Loại này còn được gọi là xe số tay, tiếng Anh là Manual Transmission (MT). Dùng thuật ngữ như vậy là để phân biệt với loại xe số tự động (Auto Transmission - AT), là loại tự động tăng giảm số phù hợp với tốc độ và tải trọng. 

Học cách sử dụng côn xe ô tô là một trong những nội dung khó nhất khi học lái xe ô tô số sàn. Khó là bởi vì khi bạn chưa sử dụng côn thành thạo khi lái xe hoặc khi vào số dễ xảy ra một số tình huống gây lúng túng, chẳng hạn như:

Xe hay bị chết máy

Vào số khó, do chưa đạp hết côn

Xe bị tụt dốc trong bài tập đề-pa lên dốc

Vì hơi khó sử dụng, nên nhiều người thấy ngại, và muốn chọn giải pháp học bằng lái xe số tự động. Giải pháp này có vẻ hữu ích cho các chị em, thường là những người dễ gặp lúng túng khi phối hợp ga - côn - số. Tuy nhiên nếu bạn nghiên cứu kỹ và luyện tập đúng thì việc sử dụng côn cũng không quá khó khăn. Và bài viết này sẽ giúp bạn nắm vững hơn về kỹ thuật này.

Kỹ thuật lái xe số sàn 

Nhìn xuống dưới sàn xe phía dưới chân người lái bạn ngồi sẽ thấy 3 cái bàn đạp theo thứ tự từ trái qua phải: Bàn đạp côn (clutch) – Bàn đạp thắng – Bàn đạp ga.

 Ba bàn đạp Côn - Thắng - Ga

  -     Bàn đạp côn: Phải đạp sát xuống hết tới sàn xe mỗi lần ta muốn sang từ số này qua số khác, thí dụ từ số 1 qua số 2, từ số 2 qua số 3 …
     -     Thắng: Dùng để khi hãm tốc độ của xe hoặc dừng xe.
     -     Chân ga: Dùng để thay đổi tốc độ.
     -     Vào số là một thao tác cơ bản nhất sau khi làm quen với các chi tiết trong buồng lái. Lái xe số sàn cần tập kết hợp côn – ga – số nhuần nhuyễn. Cẩn thận, nghiên cứu và nhớ thật kỹ vị trí của cần sang số bên cạnh tay phải của bạn. Hãy tưởng tượng theo hình chữ H. Cái gạch ngang ở giữa của chữ H là số 0 hay còn gọi là số Mo (neutral) lắc qua lắc lại thấy nhẹ tênh ở giữa là đúng số 0 rồi đó.

 

Các số trên xe ôtô

Đa phần các xe hiện đại bây giờ đa phần đều có 5 số tiến và 1 số lùi ( Có xe 6 số tiến 1 số lùi). Vị trí bố trí các số phổ biển như hình dưới đây. Xe tập của các trung tâm dạy lái xe và xe dùng để sát hạch cũng bố trí số như vậy.

Cần số và cách bố trí các số

Để luyện tập cách vào số xe ô tô (số nguội), bạn có thể làm theo theo các bước như sau:

Tăng từ số 1 lần lượt đến số 5 đến khi thuần thục không cần nhìn vào cần số

Giảm từ số 5 lần lượt về đến số 1 mà không cần nhìn vào cần số

Khi đã thành thục với số nguội, giờ là lúc xem xét cách chuyển số cho đúng cách khi lái xe thực. Khi lần đầu tiên cho xe chuyển bánh, nghĩa là thực sự lái xe, bạn có thể sẽ thấy hơi căng thẳng và xe có thể bị chết máy. Cần nhớ rằng mỗi khi thay đổi số, bạn phải đạp hết côn. Khi xe bắt đầu chuyển bánh (số 1) thì cần phải nhả côn từ từ, nhưng từ số 2 trở lên có thể nhả côn nhanh hơn. Thao tác này sẽ được tập luyện nhuần nhuyễn trong cách sử dụng chân côn xe ô tô.

Thời điểm lên số là khi xe cần tăng tốc, vòng tua đã đủ lớn, có cảm giác máy bị gằn. Còn khi vòng tua thấp, xe ì và hơi bị giật thì đó là lúc cần giảm số. Phần tiếp theo tôi giải thích thêm cách vào số xe ô tô theo tuần tự để bạn theo dõi.

Số 0: Số 0 hay còn gọi là Số Mo (neutral) thực chất là không vào số nào cả, xe ở trạng thái tự nhiên. Khi đó bánh răng không ăn khớp, và xe không chuyển động. Khi tập lái và khi sát hạch, bạn lưu ý phải về số 0 trước khi khởi động máy. Khi kết thúc bài thi sát hạch, bạn cũng nhớ về số mo cùng với kéo phanh tay.

Trong phần sát hạch lái xe đường trường, giám khảo cũng sẽ yêu cầu bạn dừng xe đỗ vào lề đường như một phần của bài thi. Khi đỗ xe xong, bạn phải về số 0 và kéo phanh tay.      

Số 1: Khi đi số 1, xe có lực khỏe nhất, nhưng di chuyển chậm nhất. Muốn cho xe xuất phát, bạn cần bắt đầu từ số 1, trừ khi đường đang dốc xuống thì có thể bắt đầu chuyển bánh bằng số 2 cũng có thể được. Số 1 cũng được sử dụng khi chạy chậm trên đường đông đúc như đi qua chợ chẳng hạn.

Về thao tác thực hiện: từ số 0, bạn đặt tay vào cần số, kéo hết sang trái rồi đẩy vuông góc lên trên, đến khi nghe tiếng kịch nhẹ thì dừng. Lúc đó bạn đã vào xong số 1.

Số 2: Vào số 2 cho phép xe đi nhanh hơn số 1. Người mới tập lái rất hay bị vào nhầm số 4 thay vì số 2. Từ số 1, bạn kéo cần số về số 0. Sau đó kéo hết sang trái rồi kéo vuông góc xuống phía dưới. Trong khi kéo, lưu ý hơi ép sang trái để tránh vô ý vào nhầm số 4.

Số 3: Số này cho phép xe di chuyển với tốc độ vừa phải, khoảng 30-40 km/giờ. Học viên dễ bị về nhầm số 1 trong khi định vào số 3. Nhầm lẫn này có thể gây nguy hiểm cho xe khác đi sát phía sau, vì ngay khi bạn nhấc chân côn lên, xe sẽ đột ngột giảm tốc độ (do về số 1) mà đèn phanh không hề bật sáng để cảnh báo.

Để chắc chắn vào đúng số 3, bạn đẩy từ vị trí số 2 về số 0, sau đó mới đẩy thẳng lên.

Thực ra vị trí tự nhiên của cần số lúc bình thường nằm giữa số 3 và 4 (xem lại hình trên). Do đó, khi bạn đẩy về số 0 và thả lỏng tay dừng lại một chút xíu, cần số đang nằm ngay dưới số 3 và trên 4. Và bạn chỉ cần đẩy hết cần số thẳng lên trên là xong.

Số 4: Số 4 khá lý tưởng cho di chuyển xe trong thành phố. Nó cho phép xe chạy đủ nhanh mà không bị gằn máy (như số 3), và vẫn đủ khỏe (hơn số 5) khi muốn vượt xe khác.

Từ vị trí số 3, bạn chỉ cần kéo thẳng cần số về số 0, sau đó kéo thẳng xuống dưới hết cỡ đến khi thấy tiếng “kịch” nhẹ là đã vào xong số 4.

Số 5: Từ số 4 bạn dùng tay đẩy về số 0, rồi ép ngang hết sang phải, sau đó mới đẩy hết lên là vào số 5. Cũng có nhiều người mới học vào nhầm số 3 khi định vào số 5. Vì vậy bạn đừng quên thao tác ép hết cần số sang phải trước khi đẩy lên.

Số 5 cho phép xe chạy với tốc độ cao nhất, nhưng lực cũng yếu nhất. Vì vậy, thường bạn chỉ nên dùng số này khi xe chạy trên 40 km/h.

Cách cầm cần số

Bạn đặt lòng bàn tay lên đầu cần số, phần chổ phình to nhất và có vẽ sơ đồ số, chứ không cầm ngang thân cần.

Còn cách đặt bàn tay thế nào thì không có quy định chuẩn. Bạn có thể tham khảo một số cách đặt tay phổ biến như sau:

Bàn tay khum lại và úp lòng bàn tay lên đầu cần số như hình dưới.


Cách cầm cần số

Thực tế thì tôi không chắc có trường lớp nào hướng dẫn cụ thể cách cầm cần số. Bạn hoàn toàn có thể chọn cách nào thấy thuận tiện, thoải mái, và dễ thao tác là được. Điều quan trọng hơn cả là cần nhớ vị trí các số, và luyện tập thuần thục để không cần nhìn vào cần số mỗi khi tăng giảm số.

Cá nhân tôi quen dùng theo cách đặt úp lòng bàn tay vào đầu cần số. Như vậy vừa có lực khỏe, vừa tiện vì chỉ cần 1 vị trí đặt tay cho tất cả các số. Và cả với xe tự động cũng dùng cách này được luôn rất tiện.

Tăng giảm số nhẹ nhàng

Người mới học lái thường hay ghì cần số, và dùng lực mạnh để thay đổi số. Thực ra việc dùng sức không làm cho thao tác dễ hơn, mà trái lại khiến bạn khó cảm nhận được vị trí các số. Vì thế, mặc dù mới học, bạn cũng nên chủ động sử dụng lực vừa phải và ra vào số nhẹ nhàng. Càng nhẹ nhàng càng dễ thao tác.

Khi đã quen, thì việc sử dụng số cũng sẽ tự nhiên và thoải mái hơn. Khi đó bạn chỉ cần gạt và đẩy nhẹ là đã có thể vào được số mong muốn.

Điều quan trọng cần nhớ là các số nằm đối xứng hoặc song song với nhau (hình trên). Người mới tập xe thường đẩy cần số chéo chứ không thẳng hoặc vuông góc, nên hay thấy bị vướng và vì thế phải dùng lực. Thao tác như vậy không đúng, bạn cần đẩy cần số theo đường thẳng hoặc theo các góc vuông thì sẽ thấy nhẹ nhàng và không cần phải dùng nhiều sức.

Ghi chú: Luôn luôn ghi nhớ kéo thắng tay lên, kiểm tra số ở vị trí số 0 (số mo) trước khi nổ máy để bảo đảm sự an toàn.

Bảng tương quan giữa mức số  - tốc độ chạy xe.
-Số 1: 1-16km/giờ
-Số 2: 16-32km/giờ
-Số 3: 16-40km/giờ
-Số 4: 40-72km/giờ
-Số 5: 40 trở lên
-Số 0 (N) – động cơ không truyền lực kéo đến bánh xe.
-Số lùi (R) – de ngược lại (chỉ có 01 số)
5) Mỗi lần sang số khác 2,3,4,5 hoặc trở về số 0 hay số lùi bạn cần phải lập lại những động tác:

1 - Đạp chân côn xuống - thả bàn chân ga ra

2 - Sang số kế tiếp

3 - Nhả chân côn ra (nhả nhanh hoặc chậm tùy theo số xe)

4 - Đạp thêm  ga

Khi xe khởi hành ở số 1, bạn nên nhả côn từ từ để tránh xe bị giật hay chết máy, nhưng từ số 2 trở lên thì có thể nhả côn nhanh hơn vì xe đã có quán tính.

Đối với trường hợp vào số lùi, chú ý xe phải đang ở trong trạng thái dừng hẳn bạn mới được phép cài số lùi. Nếu xe đang chạy tới mà bạn cố tình đẩy vào số lùi sẽ làm hỏng hộp số.

Khi xe chạy trên đường trong điều kiện bình thường mà không sử dụng côn, bạn nên bỏ hẳn chân khỏi bàn đạp côn. Như vậy vừa có thể nghỉ cho chân đỡ mỏi, vừa tránh gây ảnh hưởng không tốt đến một số bộ phận của bộ ly hợp. Cần đặc biệt lưu ý tránh thường xuyên tì chân côn lưng chừng trong quá trình chạy xe, vì như vậy tạo lực ma sát làm lá côn chóng bị mòn.

Hy vọng bài viết này giúp ích cho bạn trong việc học lái xe và điều khiển xe số sàng được nhuần nhuyễn. Cám ơn bạn!

NTH Sưu tầm


Tin đã đưa

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ GIAO THÔNG VẬN TẢI BÌNH ĐỊNH
Giấy phép:  50/PTNL ngày 23/10/2002
Địa chỉ:  361 đường Tây Sơn, phường Quang Trung, Tp. Qui Nhơn, Bình Định. 
Điện thoại:  0256.3646373.  Fax:  0256.3646373
Mọi thư từ xin gửi về địa chỉ:  daotao@daotaogtvtbinhdinh.vn

Top