TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ GTVT BÌNH ĐỊNH - 21 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Hôm nay, nhân dân Bình Định cùng với cả nước chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1/5, cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định cùng ôn lại lịch sử hình thành và phát triển Trung tâm qua hai mươi mốt năm qua (29/4/1996 – 29/4/2017).
Cách đây tròn 21 năm, vào lúc 15 giờ, ngày 29/4/1996 tại Hội trường của Công ty vận tải ô tô Bình Định (nay là Công ty Cổ phần vận tải Bình Định viết tắt là Vataco), Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định được công bố thành lập theo Quyết định số 371/QĐ-UB ngày 02/ 3/ 1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và chính thức ra mắt khai trương hoạt động.
Trụ sở chính Trung tâm đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định
Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông Vận tải Bình Định, hoạt động theo cơ chế tự trang trải hoàn toàn về tài chính; có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân kỹ thuật và liên kết đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Ngay những ngày đầu sau thành lập, Trung tâm có hoàn cảnh rất đặt biệt là: Có biên chế lao động (08 cán bộ viên chức, trong đó có 07 đảng viên), nhưng lại không có cơ sở vật chất tối thiểu cần thiết (như mặt bằng trụ sở, tài sản, kinh phí) để hoạt động.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn đó, nhưng được sự quan tâm của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, sự ủng hộ của các sở ngành và sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm đã không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, mà tự thân vận động để chọn hướng đi; Trung tâm thuê mặt bằng, nhà xưởng của Công ty Vận tải ô tô Bình Định làm địa điểm hoạt động; đồng thời vừa vận động cán bộ, viên chức đóng góp tiền cho đơn vị mượn để thực hiện kế hoạch đầu tư ban đầu như: Cải tạo nhà xưởng thành nơi làm việc, phòng học; mua lại một số bàn ghế, dụng cụ, thiết bị, học cụ đã qua sử dụng và đóng mới một số bàn ghế học sinh để trang bị cho các phòng làm việc, xưởng thực tập, lớp học; mua 12 xe ô tô các loại đã qua sử dụng để sửa chữa, hoán cải thành xe ô tô tập lái các hạng B, C, D và hạng E. Với sự đồng lòng và có trách nhiệm của 08 cán bộ viên chức ban đầu, đã giúp cho Trung tâm từ con số “0”, với một thời gian rất ngắn đã đầu tư một số tài sản cần thiết cho nhiệm vụ với giá trị trên 277 triệu đồng; vừa tuyển thêm giáo viên dạy thực hành lái xe và bố trí thời gian cho tất cả cán bộ quản lý, viên chức chuyên môn cùng với số giáo viên dạy thực hành mới tuyển theo học lớp bồi dưỡng sư phạm kỹ thuật bậc 1 để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy sau này.
Hình ảnh mặt bằng Trung tâm năm 1997 khi đang đổ đất tạo sân nền tập lái
Sau khi hội đủ điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của một cơ sở đào tạo, Trung tâm được liên Sở Giao thông Vận tải - Giáo dục Đào tạo cho tổ chức kiểm tra điều kiện tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật theo quy định và cùng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thẩm định để cấp phép hành nghề đào tạo lái xe ô tô cho Trung tâm.
Trên cơ sở Giấy phép hành nghề đào tạo lái xe số 1328/TCCB ngày 11/6/1996 do Bộ GTVT cấp, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 2548/QĐ-UB ngày 29/10/1996 để bổ sung nhiệm vụ đào tạo lái xe ô tô các hạng B, C, D, E cho Trung tâm. Đây chính là điểm đầu khởi nghiệp của Trung tâm.
Hình ảnh mặt bằngTrung năm 1988, sau khi xây dựng văn phòng làm việc(Khu nhà góc bên phải)
Sau khi hội đủ điều kiện pháp lý, Trung tâm tiến hành triển khai thực hiện kế hoạch tuyển sinh mở khóa đào tạo lái xe ô tô các hạng theo Giấy phép quy định. Thế nhưng việc tuyển sinh đào tạo chính là một thách thức lớn đối với Trung tâm. Vì lúc bấy giờ, nhu cầu học lái xe ô tô của địa phương chưa phát triển, nên khi thêm một cơ sở đào tạo mới thì số lượng người học lái xe không đáp ứng đủ lưu lượng đào tạo của cả tỉnh; mặt khác so với 03 cơ sở đào tạo lái xe có tầm cỡ như Trường Lâm nghiệp TW2, Trường Nông nghiệp TW4 và Trường kỹ thuật Quốc phòng ô tô - mô tô QK5 đang hoạt động tại tỉnh Bình Định, thì Trung tâm quá nhỏ bé và thua kém trên mọi phương diện, nên việc quảng bá thu hút người học của xã hội lại càng khó khăn hơn; hơn nữa cán bộ, viên chức Trung tâm là những người được điều động từ các đơn vị trong Ngành giao thông vận tải, nên còn mới mẻ và chưa có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề lái xe. Từ những vấn đề đã, đã đưa Trung tâm đang lúc khó khăn lại rơi vào một thế trận mới chồng chất thêm khó khăn trong những tháng năm đầu khởi nghiệp. Chính trong lúc quá khó khăn này, mới thấy được sự thủy chung, tâm huyết, gắn bó của mỗi cán bộ viên chức đối với Trung tâm, sự đoàn kết thống nhất cùng kề vai sát cánh phấn đấu làm tròn trách nhiệm, không ngần ngại mọi trở lực, vừa tích cực tiếp cận các cơ sở đào tạo đi trước để học hỏi, chọn lọc, vừa xây dựng một cách làm mới, mang đặc sắc riêng của Trung tâm, tạo điểm nhấn để xã hội có cái nhìn khác biệt và có tính hấp dẫn hơn.
Giáo viên và học viên những khóa đầu của Trung tâm
Để hiện thực hiện cách làm mới đó, mỗi cán bộ, viên chức đều xác định rõ trách nhiệm trong việc phát huy tinh thần dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, thực hiện tốt mục tiêu: “lấy chất lượng đào tạo và đạo đức nghề nghiệp làm mục tiêu phấn đấu hàng đầu” tạo dựng và xác định “thương hiệu và uy tín trong đào tạo là sự sống còn của Trung tâm”, đồng thời thực hiện phương châm: “vừa xây dựng, vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo; đào tạo để xây dựng, xây dựng để phục vụ cho đào tạo” và tuân thủ nguyên tắc “thực hành tiết kiệm, phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu để có tích lũy cho đầu tư, từng bước xây dựng Trung tâm ngày càng phát triển bền vững”.
Bằng nghị lực và sự quyết tâm cao với quan niệm “mỗi người hãy vì mọi người” của cả tập thể, đã thôi thúc mỗi cán bộ viên chức Trung tâm làm việc hết mình, không biết mệt mỏi, mà không đòi hỏi đến quyền lợi, đây là điểm sáng để mở đường đưa đơn vị vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn, gian nan lúc bấy giờ, để từng bước củng cố, xây dựng và phát triển Trung tâm đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định bằng chính tấm lòng và công sức lao động của mình.
Chính những suy nghĩ, nghĩa cử, hành động trong sáng đó của cán bộ, viên chức đối với Trung tâm trong những giai đoạn khó khăn đã trở thành thuyền thống tốt đẹp, quý báu của Trung tâm và luôn được gìn giữ để tuyên truyền, giáo dục cho viên chức thế hệ kế tiếp nhau có trách nhiệm, kế tục và phát triển tốt hơn.
Sau hơn một năm ra đời hoạt động trong điều kiện phải thuê mướn mặt bằng, thì đến tháng 10/1997 Trung tâm mới được cơ quan thẩm quyền cấp mặt bằng, việc chuyển giao 18.500 m2 đất và tài sản trên đất có gi trị 61.195.400 đồng (là nơi trước đó Trung tâm thuê làm địa điểm hoạt động) của Công ty vận tải ô tô Bình Định cấp cho Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định theo Quyết định số 1110/QĐ-UB và Quyết định số 2954/QĐ-UB ngày 25/10/1997 của UBND tỉnh Bình Định. Đây chính là điều kiện an cư cần thiết, giúp Trung tâm có định hướng đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động sự nghiệp dạy nghề sau này phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.
Từ năm 1999 trở đi, ngoài nhiệm vụ đào tạo nghề lái xe cơ giới đường bộ, được sự cho phép của UBND tỉnh, Sở GTVT, Trung tâm đã thực hiện tốt hoạt động liên kết với các trường đại học, cao đẳng ... tổ chức tuyển sinh, mở lớp đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực GTVT cho các đối tượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển lực lượng lao động kỹ thuật của ngành, địa phương.
Cuối năm 1999, hoàn tất việc trả nợ tiền cho cán bộ, viên chức mà Trung tâm mượn trong những ngày đầu thành lập.
Với chủ trương của Bộ GTVT về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin để đưa dần công tác sát hạch lái xe theo hướng tự động hóa, hạn chế tối đa sự tác động chủ quan của con người, đảm bảo cho kết quả sát hạch chính xác và khách quan. Chính hoạt động sát hạch lái xe bằng thiết bị báo lỗi chấm điểm tự động sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại các cơ sở đào tạo; từng bước đưa mặt bằng tay nghề lái xe của người học sau sát hạch có chất lượng và hội đủ điều kiện tham gia giao thông một cách tự tin, an toàn, hạn chế tối đa tai nạn giao thông, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Trên thực tế đào tạo và sát hạch để cấp giấy phép lái xe là hai hoạt động luôn được thực hiện liên thông với nhau trong cùng một không gian nhất định sẽ tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân có nhu cầu, nhưng theo quy hoạch của Bộ GTVT thì tại Bình Định không có Trung tâm sát hạch lái xe, đây là khó khăn lớn cho người dân Bình Định khi có nhu cầu học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Nhìn nhận được vấn đề đó, Trung tâm tiến hành các thủ tục pháp lý xin chủ trương lập dự án xây dựng Trung tâm sát hạch – cấp giấy phép lái xe tập trung tại Bình Định và kiến nghị Bộ GTVT quy hoạch vào hệ thống Trung tâm sát hạch lái xe loại 1 của cả nước theo tinh thần Chỉ thị số 342/CT-BGTVT ngày 19/10/1998 của Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải. Sau khi có Văn bản số 601/UB-CN ngày 31/03/1999 của UBND tỉnh Bình Định và Văn bản số 2957/BGTVT ngày 31/08/1999 của Bộ GTVT đồng ý cho Trung tâm lập Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe loại 1 tỉnh Bình Định; được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1257/QĐ-UB ngày 15/4/2002 cấp thêm mặt bằng đất để Trung tâm triển khai các bước thực hiện dự án, đến tháng 5/ 2005 hoàn thành dự án xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe, với tổng mức đầu tư là 13,53 tỷ đồng (trong đó: vốn Ngân sách cấp trực tiếp là 4,0 tỷ đồng và cấp từ phí sát hạch trích để lại là 1,97 tỷ đồng trong 4 năm (2006 – 2009); vốn của Trung tâm là 7,56 tỷ đồng), Trung tâm sát hạch lái xe tập trung loại 1 đưa vào khai thác sử dụng đã đáp ứng tốt tính tiện ích, tiết kiệm được chi phí và thời gian cho cán bộ, nhân dân Bình Định khi có nhu cầu học, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Sân tập và sát hạch của Trung tâm
Thực hiện chủ trương cho phép của UBND tỉnh tại Văn bản số 877/ UB-CN ngày 18/5/2001, Trung tâm triển khai dự án xây dựng công trình khu nhà hai tầng có diện tích sàn sử dụng 1.269 m2 đến tháng 01/2002 hoàn thành; Văn bản số 1667/UB-XD ngày 18/7/2003 cho phép Trung tâm triển khai thực hiện dự án công trình khu nhà 4 tầng có diện tích sàn sử dụng 2.308 m2, đến tháng 6/2005 hoàn thành. Hai dự án của hai khu nhà trên có tổng mức đầu tư là 6,444 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của Trung tâm. Dự án của hai khu nhà hoàn thành có đủ cơ số phòng làm việc, phòng mạng máy tính thi lý thuyết, phòng điều hành sát hạch lái xe trong hình tổng hợp, hệ thống phòng học, hội trường, nhà ăn, ký túc xá học viên và phòng ở cho giáo viên, để vừa thay thế các phòng học, ăn, ở và làm việc mà trước đây được tận dụng từ nhà xưởng cưa, nhà cấp 4 xây tạm; đồng thời vừa đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng trong hoạt động đào tạo nghề và phục vụ sát hạch lái xe.
Khu nhà làm việc và phục vụ Sát hạch của Trung tâm
Năm 2004, UBND tỉnh có Quyết định số 51/2004/QĐ-UB ngày 11/6/2004 về việc bổ sung nhiệm vụ cho Trung tâm là quản lý cơ sở sát hạch cấp giấy phép lái xe để khai thác, sử dụng và tổ chức phục vụ các kỳ sát hạch lái xe ô tô; Quyết định số 88/2004/QĐ-UB ngày 24/09/2004 ban hành Quy chế tổ chức hoạt động và cho phép Trung tâm thành lập mới thêm phòng Thiết bị – Kỹ thuật.
Từ thực trạng quy hoạch cơ sở dạy nghề lái xe, với điều kiện cần thiết cho việc mở rộng địa bàn và phát triển quy mô hoạt động của Trung tâm, để góp phần lấp khoảng trống nhằm phục vụ nhu cầu học lái xe của nhân dân tại các huyện phía bắc tỉnh. Trung tâm được UBND tỉnh xét cho chủ trương và chấp thuận địa điểm để chuẩn bị đầu tư xây dựng Cơ sở đào tạo lái xe Hoài Nhơn tại xã Hoài Tân; cuối năm 2010, sau khi hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đóng góp kinh phí cùng huyện Hoài Nhơn xây dựng cầu vượt đường sắt, được UBND tỉnh Bình Định có Quyết định số 583/QĐ-UBND ngày 21/12/2010 cấp 19.475 m2 đất tại thơn An Dưỡng, xã Hoài Tân. Sau khi được cấp đất Trung tâm liền triển khai thực hiện dự án xây dựng Cơ sở đào tạo lái xe Hoài Nhơn, đến cuối tháng 12/2011 hoàn thành, với tổng mức đầu tư 14,255 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của Trung tâm. Theo đề nghị của đơn vị và thông qua kết quả kiểm tra, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 231/QĐ-SGTVT ngày 24/02/2012 về việc thành lập Cơ sở đào tạo lái xe Hoài Nhơn thuộc Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định và cấp giấy chứng nhận Trung tâm sát hạch lái xe loại 3 Hoài Nhơn đủ điều kiện hoạt động.
Cơ sở Đào tạo lái xe Hoài Nhơn thuộc Trung tâm
Từ chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho phép tái đầu tư lại Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh Bình Định theo đúng quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe Mã số QCVN 40: 2012/BGTVT ban hành tại Thông tư số 18/2012/TT-BGTVT ngày 06/6/2012 của Bộ Giao thông Vận tải; Trung tâm đã triển khai việc lập và thực hiện Dự án tái đầu tư lại Trung tâm sát hạch lái xe, nhằm thay thế hoàn toàn hệ thống thiết bị chấm điểm tự động do Hàn Quốc lắp đặt năm 2005 và thay thế, bổ sung thêm xe sát hạch hạng B, C cho phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới và nhu cầu địa phương. Dự án hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 6,4 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của Trung tâm. Được Tổng Cục Đường bộ kiểm chuẩn, cấp lại Giấy chứng nhận Trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động số 11/TCĐBVN-QLPT&NL ngày 29/01/2013.
Trên cơ sở Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Mã số QCVN 40:2015/BGTVT ban hành km theo Thông tư số 79/2015/BGTVT ngày 10/12/2015 của Bộ Giao thông Vận tải; được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho phépTrung tâm đã tiến hành lập và triển khai thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp, bổ sung phương tiện, thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lái xe, đến đầu tháng 8/2016 dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng; tổng mức đầu tư của dự án là 7,263 tỷ đồng, trong đó vốn của Trung tâm là 3,471 tỷ đồng và vốn vay Ngân hàng là 3,792 tỷ đồng. Thông qua dự án này, giúp cho công tác sát hạch lái xe từ lái xe mô tô hạng A1, A2 đến lái xe ô tô các hạng B, C, D, E đều thực hiện chấm điểm tự động hoàn toàn từ sát hạch lý thuyết đến sát hạch kỹ năng lái xe trong hình và trên đường giao thông công cộng.
Trong điều kiện quy mô đào tạo ngày càng lớn, hoạt động sát hạch ngày càng tăng làm cho kiểu bố trí và kết cấu hệ thống phòng làm việc, phòng thi hiện tại của Nhà làm việc 2 tầng không còn phù hợp, làm ảnh hưởng đến công tác trật tự, an ninh, điều kiện làm việc và tính an toàn trong quá trình hoạt động. Được chủ trương cho phép của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Trung tâm đã triển khai lập và thực hiện hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nhà làm việc hai tầng cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Cùng đồng hành với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị, học cụ phục vụ hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe, trong các năm 2000, 2003, 2006, 2009, 2010, 2013, 2016 Trung tâm lần lượt đầu tư bổ sung thêm các loại xe ô tô đời mới có công nghệ tiên tiến để sử dụng tập lái cho các hạng B, C, D, E, Fc với tổng giá trị đầu tư trên 37,41 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của Trung tâm; Quá trình đầu tư đó, đã nâng tổng số xe của Trung tâm lên đến 129 chiếc, trong đó xe tập lái các hạng là 107 chiếc và xe sử dụng sát hạch là 22 chiếc.
Lưu lượng đào tạo của Trung tâm cũng được nâng dần theo cơ số xe đầu tư tăng thêm qua các năm, hiện tại Trung tâm đạt lưu lượng đào tạo cho phép là 1.340 học viên.
Trong hơn 21 năm qua, bằng chính tấm lòng và công sức phấn đấu bền bỉ, kiên trì của các thế hệ viên chức, người lao động đã xây dựng phát triển Trung tâm từ một cơ sở nhỏ bé không có gì, trở thành một cơ sở đào tạo khang trang, trường ra trường, lớp ra lớp, phương tiện, thiết bị hiện đại và tăng dần về số lượng, đưa lưu lượng đào tạo chiếm gần 50% tổng lưu lượng đào tạo lái xe của cả tỉnh, chất lượng và uy tín đào tạo được duy trì, giữ vững, Năm 2014 được UBND tỉnh quyết định giao giá trị tài sản nhà nước là 38,648 tỷ đồng cho Trung tâm để quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.
Với thời gian đó Trung tâm đã đào tạo trên 53 ngàn người được cấp giấy phép lái xe ô tô các hạng, gần 205 ngàn người được cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, A2, A3; đào tạo bổ túc cho 334 người dân đang hành nghề được kiểm tra cấp chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa. Phục vụ cho gần 500 kỳ sát hạch lái xe ô tô do Sở GTVT Bình Định và Quảng Ngãi tổ chức với trên 65 ngàn lượt thí sinh dự sát hạch lái xe ô tô các hạng và phục vụ dịch vụ trên 75 ngàn giờ tập làm quen xe, thiết bị sân hình sát hạch và xe sát hạch đường trường cho học viên các cơ sở đào tạo trước khi dự sát hạch lái xe. Thực hiện liên kết đào tạo với các Trường:
- Liên kết với trường Cao đẳng nghề GTVT Đường thủy II (trường Hàng Giang II), tổ chức tuyển sinh, quản lý, đào tạo 04 khóa gồm 10 lớp với 570 học viên, được kiểm tra, sát hạch cấp giấy chứng nhận Thuyền trưởng hạng 3, hạng 4; Thuyền viên điều khiển ca nô cao tốc và Lái phương tiện hạng nhất thủy nội địa.
Học viên thực hành lái phương tiện thủy nội địa
- Liên kết với trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức tuyển sinh, quản lý, đào tạo 04 khóa đại học tại chức gồm 7 lớp với 355 sinh viên theo học các chuyên ngành: Xây dựng cầu đường bộ; Xây dựng cầu đường sắt; Kinh tế xây dựng; Kinh tế vận tải đường sắt; Cơ khí ô tô –Máy xây dựng;
Lễ phát bằng đại học lớp vận tải kinh tế sắt do Trung tâm liên kết đào tạo
- Liên kết với trường Cao đẳng GTVT II tổ chức tuyển sinh, quản lý 02 khóa đào tạo bậc Trung học chuyên nghiệp, gồm lớp có 210 học viên, theo học các chuyên ngành: Kinh tế vận tải đường bộ, Kinh tế xây dựng giao thông, Cầu đường bộ; 01 lớp công nhân kỹ thuật Vận hành máy công trình với 42 học viên.
- Với Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Vinh mở 4 lớp bồi dưỡng sư phạm kỹ thuật bậc 1, bậc 2 cho 262 học viên là giáo viên dạy nghề.
Từ năm 2005 đến nay Trung tâm luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế với Ngân sách Nhà nước. Trong đó: Từ năm 2005 đến năm 2011 thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, thuế nộp bình quân trên 200 triệu đồng/năm; Từ năm 2012 đến nay tất cả các hoạt động của Trung tâm đều thực hiện hạch toán theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và nguồn thu do Sở trích chuyển từ phí sát hạch và thu dịch vụ cho thuế phải xuất hóa đơn chịu thuế VAT 10%, nên nghĩa vụ thuế của Trung tâm nộp bình quân trên 1 tỷ đồng/năm.
Cùng với “sản phẩm lao động qua đào tạo” do Trung tâm cung cấp, thực sự góp phần thiết thực cho yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà và thành tích xây dựng, phát triển Trung tâm trong 21 năm qua là sự kết tinh của sự quan tâm lãnh đạo của UBND tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở ngành trong tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban giám đốc Sở GTVT Bình Định với trí tuệ, ý chí tự lực, tự cường và công sức phấn đấu vượt bậc của cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm.
Từ những công lao đóng góp đó của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động trong Trung tâm, đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận và tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen và nhiều danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh cho nhiều cá nhân và tập thể. Đơn vị được UBND tỉnh tặng thưởng 04 Bằng khen, 06 cờ thi đua và 4 lần tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được Bộ GTVT tặng 01 Bằng khen, Thủ tướng Chính phủ tặng 01 Bằng khen, Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.
Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba cho Trung tâm đào tạo nghiệp vu giao thông vận tải Bình Định
Đến nay, có thể khẳng định, nhờ có đường lối, chính sách đổi mới, thông thoáng của Đảng và Nhà nước, nên Trung tâm đã từng bước khai thác tốt các yếu tố thuận lợi, khắc phục những hạn chế khó khăn từng bước tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao hàng năm với chất lượng, hiệu quả và uy tín đào tạo ngày cáng nâng cao và được củng cố, qua đó tạo điều kiện tích lũy nguồn lực để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, từng bước đổi mới và bổ sung thêm phương tiện, thiết bị hiện đại có công nghệ tiên tiến; bên cạnh đó đội ngũ giáo viên, viên chức quản lý và chuyên môn không ngừng được củng cố và gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển hoạt động đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô tại Trung tâm.
Về lao động, Trung tâm hiện có 126 viên chức, người lao động, trong đó: Trình độ Cao học có 3 người, Đại học có 47 người, Cao đẳng có 06 người, Trung cấp 27 người, Giáo viên tốt nghiệp Trung học phổ thông có 31 người đang theo học Cao đẳng công nghệ ô tô; lao động phổ thông 12 người;
Về hệ thống tổ chức, Trung tâm hiện có: Tổ chức bộ máy đơn vị gồm Ban giám đốc, ba phòng chức năng và một cơ sở đào tạo lái xe; Chi bộ có 26 đảng viên; Công đoàn cơ sở thành viên có 122 đoàn viên.
Về định hướng lâu dài cho quá trình xây dựng và phát triển, Trung tâm quyết tâm theo đuổi mục tiêu mà Nghị quyết của Chi bộ đề ra: Từng bước xây dựng Trung tâm “trong sạch về tổ chức, mạnh về lực lượng, vững về chuyên môn, hiện đại về vật chất kỹ thuật, giữ vững thương hiệu là địa chỉ đào tạo lái xe đáng tin cậy”. Hướng tới tương lai với nhiệm vụ đặt ra cho Trung tâm là hết sức nặng nề, nhưng đầy triển vọng, tập thể viên chức, người lao động tin tưởng rằng: Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là Sở Giao thông vận tải, Trung tâm tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đã được tôi luyện và tích luỹ trong suốt hai mươi mốt năm qua, nhất định tập thể viên chức, người lao động Trung tâm sẽ có đủ bản lĩnh, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao có hiệu quả, giữ vững chất lượng, uy tín đào tạo, sẽ tạo tiền đề cho sự nghiệp xây dựng Trung tâm ngày càng phát triển toàn diện và bền vững.
Hai mươi mốt năm đã trôi qua, nhưng đã để lại cho mỗi viên chức, người lao động của Trung tâm một cảm xúc đặc biệt, luôn tự hào và không bao giờ quên sự tích góp từ trí tuệ đến công sức, mồ hôi, tâm huyết của thế hệ đi trước để vượt qua những chặng đường gian khó làm nên những thành quả vượt bậc trong xây dựng và phát triển Trung tâm như ngày nay mà mỗi cán bộ, viên chức, người lao động chúng ta đang thừa hưởng.
Tiết mục văn nghệ của cán bộ nhân viên Trung tâm chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập
(29/ 4/ 2006 - 29/ 4/ 2016)
Từ những nhận thức chân chính trên, mỗi viên chức, người lao động luôn ghi nhớ, tri ơn và quyết tâm phát huy truyền thống tốt đẹp đó, thống nhất ý chí, đoàn kết một lòng xây dựng Trung tâm phát triển ngày càng bền vững để không phụ lòng các thế hệ đi trước./.
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ GIAO THÔNG VẬN TẢI BÌNH ĐỊNH
Giấy phép:  50/PTNL ngày 23/10/2002
Địa chỉ:  361 đường Tây Sơn, phường Quang Trung, Tp. Qui Nhơn, Bình Định. 
Điện thoại:  0256.3646373.  Fax:  0256.3646373
Mọi thư từ xin gửi về địa chỉ:  daotao@daotaogtvtbinhdinh.vn